Siết chặt quản lý hành chính để phòng ngừa tình trạng trồng cây chứa chất ma túy

02/08/2021 10:32

Theo Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an), để phòng ngừa việc trồng cây chứa chất ma túy, một trong những giải pháp quan trọng được đặt ra là lực lượng Công an cơ sở (nhất là Công an cấp xã) phải thực hiện tốt công tác quản lý hành chính, quản lý nhân hộ khẩu, đăng ký tạm trú…

 Lực lượng Công an nhổ bỏ những cây cần sa được trồng trái phép. Ảnh: Internet

Trong 6 tháng đầu năm 2021 cùng với tình hình mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy ở Việt Nam diễn biến phức tạp trên các tuyến biên giới đường bộ, đường bưu điện, hàng không... thì tình trạng các đối tượng trồng cây có chứa chất ma túy (chủ yếu là cây thuốc phiện, cây cần sa) đan xen với các loại cây khác diễn ra phức tạp tại nhiều địa phương.

Thủ đoạn phổ biến của các đối tượng là trồng tại sân thượng, nóc nhà riêng, trong vườn, trồng tại các khu vực xa dân cư hoặc trồng đan xen với cây công nghiệp, nông nghiệp... để tránh bị phát hiện, xử lý. Trong nhiều vụ, đối tượng trồng không phải là người địa phương, hoặc sống ở địa phương nhưng không đăng ký tạm trú nên cơ quan chức năng không quản lý được, gây khó khăn cho công tác phát hiện, xử lý. Hầu hết các vụ trồng trái phép cây có chứa chất ma túy, đối tượng chỉ bị xử phạt hành chính (do chưa đến mức xử lý hình sự) nên đã cố tình vi phạm.

Theo Đại tá Vũ Văn Hậu, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, một trong những nguyên nhân, đó là do nhận thức của người dân về các loại cây có chứa chất ma túy. Tại nhiều địa phương, người dân có khi trồng cây ma túy theo phong tục tập quán hoặc để sử dụng trong dân sinh như làm thức ăn cho gia súc, gia cầm. Hơn nữa, hệ thống luật pháp chưa đủ sức răn đe. Điều 247 Bộ luật Hình sự quy định về tội Trồng cây có chứa chất ma túy, lại có hình phạt còn nhẹ, chỉ mang tính chất cảnh báo là chính. Bên cạnh đó, một số nước đang hợp pháp hóa việc trồng cây cần sa cho mục đích y tế, dễ tạo điều kiện cho tội phạm lợi dụng.

Đại tá Vũ Văn Hậu đề nghị các chính quyền địa phương, lực lượng chức năng cần tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức của người dân; cần có những phương án để phát triển hạ tầng, nâng cao đời sống với mục đích xóa bỏ những nhu cầu thu lợi từ các loại cây có chứa chất ma túy của người dân. Bên cạnh việc xử lý nghiêm người vi phạm, còn cần truy cứu trách nhiệm đối với những người đứng đầu để xảy ra tình trạng phạm tội.

Với chức năng là Cơ quan thường trực, tham mưu cho Bộ Công an, Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy mại dâm trong công tác phòng, chống ma túy, ngay từ đầu năm 2021, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã có Điện gửi Công an các đơn vị, địa phương đề nghị triển khai nhiều giải pháp, trong đó chú trọng công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền cùng cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân tích cực phòng, chống ma túy; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động mọi người dân nâng cao nhận thức, không trồng, chế biến và sử dụng sản phẩm từ cây có chứa chất ma túy; kịp thời phát hiện, tố giác tội phạm ma túy, các hành vi trồng, sử dụng trái phép cây có chứa chất ma túy với cơ quan chức năng.

Đối với các lực lượng Công an, cần chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ, nắm chắc tình hình địa bàn, đối tượng và thường xuyên phối hợp, rà soát, kiểm tra, phát hiện các vụ việc trồng cây có chứa chất ma túy để kịp thời ngăn chặn, triệt xóa và phòng, chống tái trồng.

Trong đó, một trong những giải pháp quan trọng được đặt ra là lực lượng Công an cơ sở (nhất là Công an cấp xã) phải thực hiện tốt công tác quản lý hành chính, quản lý nhân hộ khẩu, đăng ký tạm trú… để nắm chắc địa bàn, đối tượng, không để tồn tại tình trạng người từ địa phương này qua địa phương khác trồng trái phép cây có chứa chất ma túy; người nước ngoài đến thuê đất để thâm canh, trồng cây ăn quả, nhưng thực chất lại lén lút trồng cây cần sa, cây thuốc phiện… Qua đó chủ động phòng ngừa, phát hiện kịp thời và đấu tranh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các đối tượng có hành vi phạm.

Top