Trẻ em tham gia góp ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ trẻ em

19/12/2014 16:22

Ngày 19/12, lần đầu tiên tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo Phát triển Cộng đồng (RTCCD) phối hợp cùng Hội Đồng đội Trung ương, Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh tổ chức Hội nghị Tham vấn trẻ em góp ý bổ sung vào dự thảo Luật Bảo về, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em.

Tham dự Toạ đàm có đại diện Cục Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội; BCH Trung ương Đoàn TNCS HCM; Hội đồng đội Trung ương, các tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo vệ trẻ em và sự góp mặt của các em học sinh đại diện từ các trường tiểu học, THCS trên địa bàn Hà Nội cùng Ban Giám hiệu, giáo viên và các phụ huynh học sinh.

Trẻ em tham gia góp ý dự thảo Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em. Ảnh Nhật Thy

Chúng ta đều biết răng, trẻ em là đối tượng điều chỉnh của Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em (BVCSGD TE). Vì thế, để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho trẻ em, trẻ em cũng có quyền bình đẳng được đứng lên bảo vệ quyền lợi của chính mình. Trẻ em cần có vai trò đóng góp tiếng nói nhằm xây dựng và hoàn thiện Luật mới.

Bác sỹ Nguyễn Trọng An, Nguyên Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, Phó Giám đốc RTCCD khẳng định: “Trẻ em có quyền được tự do ngôn luận, quyền được bày tỏ ý kiến, quan điểm của riêng mình. Được tham gia vào quá trình ra các quyết định có liên quan đến trẻ em trong gia đình, nhà trường và xã hội; tham gia Xây dựng pháp luật, chính sách, chiến lược, kế hoạch, chương trình có liên quan đến trẻ em. Hiện Luật BVCSGD TE đang trong quá trình sửa đổi, người lớn chúng ta cần phải lắng nghe tiếng nói của trẻ em trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Bộ luật BVCSGD TE sửa đổi lần này”.

Anh Nguyễn Long Hải, Bí thư BCH Trung ương Đoàn cho hay, Toạ đàm tham vấn ý kiến trẻ em về Luật trẻ em là một hoạt động rất có ý nghĩa. Các em đang được tham gia để thể hiện ý kiến của chính mình về các chính sách liên quan trực tiếp đến quyền của mình. Điều đó thể hiện sự quan tâm của các cấp chính quyền, của Đảng và nhà nước đối với quyền của những chủ nhân tương lai của đất nước.

Một em học sinh đến từ trường tiểu học Hoàng Hoa Thám chia sẻ: “Hiện nay trên nhiều tỉnh, địa phương có những gia đình ngược đãi trẻ em. Tại sao lại như vậy? Có phải họ ghét trẻ em không? Cháu nghĩ cần ghi lại trong Luật những quy định cụ thể về việc tra tấn và ngược đãi trẻ em, cần đảm bảo mọi trẻ em phải có cơ hội sống trong môi trường lành mạnh”.

Một em học sinh từ trường THCS Nguyễn Siêu có ý kiến rằng: “Trong Luật luôn quy định phải có sự lắng nghe của trẻ em, nhưng ngay tại môi trường học đường, giáo viên thường áp đặt suy nghĩ lên học sinh".

Chia sẻ với ý kiến đó, rất nhiều em khác cũng có ý kiến cho rằng mọi trẻ em đều có quyền được học tập, tuy nhiên phụ huynh lại tạo áp lực lên trẻ em bằng cách ép đi học thêm và điểm số. Trong khi đó, quyền được đi chơi của các em lại bị hạn chế, các em có sân chơi nhưng người lớn lại dùng những sân chơi đó để chơi thể thao của người lớn, tập dưỡng sinh, thậm chí biến thành quán bia và nơi gửi xe kiếm tiền.

Từ những ý kiến của các em, Bác sỹ Nguyễn Trọng An cho rằng, cần phải tuyên truyền, không chỉ cho xã hội mà còn cho cả gia đình về ý thức tôn trọng các quyền của trẻ em, bao gồm các quyền được tôn trọng sự riêng tư, quyền được học tập, quyền được vui chơi và tự do phát triển năng khiếu của bản thân.

Top