Việt Nam lần đầu cho phép mang thai hộ

18/12/2014 17:02

Từ cấm hoàn toàn (theo Luật hôn nhân gia đình năm 2000 và quy định về sinh con bằng phương pháp khoa học), Luật hôn nhân gia đình sửa đổi năm 2014 đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và dự kiến có thể đưa vào áp dụng từ 01/01/2015.

Luật hôn nhân gia đình sửa đổi năm 2014 đã cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo - Ảnh minh họa

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, đề xuất cho phép mang thai hộ đã được chấp nhận vì thực tế có những người mẹ không thể mang thai được. Có thể do lần sinh trước bị chảy máu và đã cắt tử cung, nhưng vẫn có trứng và có nhu cầu sinh con. Có người cứ mang thai là bị rối loạn đông máu hoặc có những người có bệnh lý ở tử cung và không thể mang thai, kể cả đã được hỗ trợ sinh sản...

Những năm vừa qua, vì việc cấm mang thai hộ nên những người phụ nữ khao khát có con, có người phải ra nước ngoài để thực hiện dịch vụ này. Trở về nước, họ gặp rất nhiều khó khăn khi làm giấy tờ, xác định hồ sơ nhân thân cho cháu bé.

Về mặt kỹ thuật và nhân văn, hỗ trợ sinh sản cho những người này hoàn toàn thực hiện được và hoàn toàn xứng đáng. Vậy tại sao không cho phép bệnh viện mình làm cho người dân.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến, nếu không cho phép, những người có điều kiện sẽ đi nước ngoài để nhờ mang thai hộ, nhưng người có nhu cầu chính đáng mà không có điều kiện kinh tế thì đành chịu, vì chi phí dịch vụ ở nước ngoài rất tốn kém.

Có quy định cho phép mang thai hộ, bệnh viện mới có cơ hội giúp những người như vậy. Thế giới cũng đã có rất nhiều nước cho phép mang thai hộ, kể cả ở châu Âu, châu Á...

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho hay, dự thảo hướng dẫn thực hiện việc mang thai hộ theo Luật hôn nhân gia đình sửa đổi hiện đã hoàn tất, các bộ ngành đều đã thống nhất với dự thảo của Bộ Y tế. Dự kiến quy định có thể được đưa vào áp dụng từ năm 2015.

Theo đó, quy định rõ, người nhờ mang thai hộ phải là cặp vợ chồng vì một nguyên nhân nào đó chưa có con chung cho dù đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản (chẳng hạn do dị tật bẩm sinh, bị cắt tử cung, ung thư cổ tử cung, bị bệnh lý nội khoa nếu mang thai sẽ ảnh hưởng đến tính mạng…).

Đối với người nhờ mang thai hộ, phải là người có quan hệ họ hàng cùng hàng với vợ hay chồng, có đủ sức khỏe mang thai, tự nguyện mang thai hộ và được sự đồng ý của chồng.

Cả người mang thai hộ và nhờ mang thai hộ phải được khám sức khỏe, được tư vấn đầy đủ về y khoa và luật pháp, tâm lý trước khi tiến hành mang thai hộ.

Trong hướng dẫn thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có phần hợp đồng dân sự dành cho người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ, kể cả quy định trách nhiệm của hai bên. Trong trường hợp người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ không thực hiện trách nhiệm của mình thì sẽ nhờ tòa án dân sự can thiệp.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho hay, hiện có gần 20 cơ sở y tế có thể triển khai được kỹ thuật hỗ trợ sinh sản như vậy. Tuy nhiên, ba cơ sở y tế được lựa chọn là Bệnh viện Phụ sản T.Ư ở miền Bắc, Bệnh viện T.Ư Huế ở miền Trung và Bệnh viện Phụ sản Từ Dũ ở miền Nam được phép hỗ trợ các gia đình cần nhờ người mang thai hộ.

Lựa chọn như vậy để Bộ Y tế có thể quản lý tốt, tránh các hệ lụy và biến tướng thương mại, như kiểu thuê mang thai hộ rồi người mang thai thuê không trả con cho gia đình thuê chẳng hạn.

Về việc cho phép thuê mang thai hộ đối với những cặp đôi đồng tính, Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho hay, vấn đề này chưa được đặt ra trong hướng dẫn, một phần vì Luật hôn nhân gia đình sửa đổi không bác bỏ nhưng cũng không cho phép hôn nhân đồng tính. Nếu cho phép họ có con thì sẽ nảy sinh nhiều vấn đề chưa có cơ sở pháp lý để giải quyết.
Top