Cần chung tay để đẩy lùi hoạt động bất hợp pháp về ma túy

29/06/2020 13:12

Ma túy là một trong những vấn nạn mà cần cả xã hội cùng nỗ lực chung tay ngăn chặn. Với những tác hại khủng khiếp, ma túy, và đặc biệt các loại ma túy tổng hợp mới (methamphetamine) đang hủy hoại sức khỏe của chính người sử dụng và là nguồn gốc phát sinh tội phạm, gia tăng bạo lực trong xã hội. Đặc biệt, sự lạm dụng ma túy là mối đe dọa lớn đối với sự phát triển của lớp trẻ và giá trị của nhân loại.

Chiến sĩ Phòng PC04 tuyên truyền về tác hại của ma túy cho học sinh - Ảnh: Tống Nam

Liên quan đến những quy định về tội phạm ma túy trong Bộ luật Hình sự và những quy định về kiểm soát các hoạt động hợp pháp về tiền chất có liên quan đến ma túy, phóng viên có buổi trao đổi với thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC04) Công an tỉnh Bình Dương xoay quanh vấn đề này…

Khái niệm về tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần vẫn chưa được nhiều người hiểu rõ. Liên quan đến các loại thuốc trên, xin ông vui lòng cho biết một số vấn đề về xác định chất ma túy theo quy định của pháp luật hiện nay? Như thế nào là hoạt động hợp pháp và bất hợp pháp?

Thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn: Luật Phòng, chống ma túy số 23/2000/QH10 ngày 9/12/2000 của Quốc hội có hiệu lực từ ngày 1/6/2001, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 16/2008/QH12 ngày 3/6/2008 của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma túy, có hiệu lực từ ngày 1/1/2009. Điều 2 của luật này đã làm rõ một số từ ngữ, khái niệm liên quan đến những vấn đề mà phóng viên hỏi.

Theo đó, tiền chất là các hóa chất không thể thiếu trong quá trình điều chế, sản xuất chất ma túy, được quy định trong danh mục của Chính phủ ban hành. Thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần là các loại thuốc chữa bệnh được quy định trong danh mục do Bộ Y tế ban hành, có chứa các chất quy định tại khoản 2 và khoản 3 điều này. Chất hướng thần là chất kích thích, ức chế thần kinh hoặc gây ảo giác, nếu sử dụng nhiều có thể dẫn tới tình trạng nghiện đối với người sử dụng.

Chất ma túy nhìn từ góc độ quản lý, gồm: Chất ma túy hợp pháp và chất ma túy bất hợp pháp. Khoản 9 Điều 2 Luật số 13/VBHN-VPQH ngày 23/7/2013 Phòng, chống ma túy quy định: Các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy bao gồm các hoạt động nghiên cứu, giám định, sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, nhập khẩu, xuất khẩu, quá cảnh các chất quy định tại các khoản 1, 4 và 5 Điều này, được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định của pháp luật. Các chất ma túy thuộc các hoạt động này được coi là ma túy hợp pháp.

Ngoài ra, chất ma túy, tiền chất được sử dụng trong y tế, công nghiệp, thú y, phân tích kiểm nghiệm nghiên cứu khoa học, điều tra tội phạm theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền cũng là ma túy hợp pháp. Chất ma túy bất hợp pháp được hiểu là chất ma túy được giao dịch, thực hiện trái với quy định của pháp luật, bị pháp luật cấm.

Như đã thấy, trong thực tế các tiền chất ma túy không chỉ sử dụng trong các hoạt động bất hợp pháp mà còn sử dụng trong các hoạt động sản xuất công nghiệp và cả sinh hoạt bình thường. Chẳng hạn như trong sơn móng tay, các loại thuốc ho, thuốc cảm thông thường. Việc sản xuất trái phép chất ma túy không phải với mục đích này là hoạt động bất hợp pháp. Các hoạt động này được pháp luật quy định là phạm tội.

Hiện nay vẫn tồn tại nhiều đơn vị, tổ chức, cá nhân sản xuất, mua bán tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần trái quy định. Ông chia sẻ về việc kiểm soát các hoạt động hợp pháp về ma túy tại địa bàn tỉnh hiện nay như thế nào? Có khó khăn gì trong vấn đề kiểm tra, xử lý không?

Thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn: Được sự quan tâm của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, của Ban Giám đốc Công an tỉnh, trong thời gian qua Bình Dương đã làm rất tốt công tác kiểm soát các hoạt động hợp pháp liên quan đến ma túy. Tỉnh cũng đã tổ chức tập huấn cho các doanh nghiệp có kinh doanh, sử dụng hóa chất, tiền chất liên quan đến ma túy. Các đoàn kiểm tra cũng thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, đôn đốc các doanh nghiệp phải chấp hành nghiêm vấn đề này.

Bên cạnh đó cũng còn tồn tại một vài khó khăn như nhiều doanh nghiệp vẫn chưa quan tâm đến công tác quản lý tiền chất, hóa chất. Họ vẫn còn thờ ơ, chưa có nhiều kiến thức về quản lý tiền chất trong mua bán, vận chuyển, tàng trữ. Do đó, một số doanh nghiệp đã bị xử phạt hành chính vì vi phạm vấn đề này.

Một khó khăn trong hệ thống quản lý của chúng ta, đó là các chất ma túy là tiền chất, khâu đầu vào đến các sản phẩm cuối cùng, việc kiểm soát sự thất thoát vẫn còn khó khăn vì khâu “cân, đong, đo, đếm” vẫn chưa chuẩn xác lắm cũng như những quy định về quản lý tiền chất ma túy vẫn chưa cụ thể. Đặc biệt, địa bàn Bình Dương là  địa bàn công nghiệp với nhiều khu, cụm công nghiệp mà hầu như đa số các doanh nghiệp đều ít nhiều sử dụng tiền chất, hóa chất trong các khâu sản xuất của họ.

Tội vi phạm quy định về  quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần thì bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật, thưa ông?

Thượng tá Đỗ Ngọc Ẩn: Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác được hiểu là hành vi của người có trách nhiệm trong việc nghiên cứu, giám định, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh, mua bán, vận chuyển, bảo quản, tàng trữ, phân phối, cấp phát, sử dụng, xử lý, trao đổi thuốc gây nghiện hoặc các chất ma túy khác đã không làm đúng quy định của Nhà nước về quản lý và sử dụng các chất đó.

Theo quy định tại Điều 259 Bộ luật Hình sự năm 2015 về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần như sau:

“Người nào có trách nhiệm trong việc sản xuất, vận chuyển, bảo quản, tồn trữ, mua bán, phân phối, sử dụng, xử lý, trao đổi, xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam, kê đơn, bán thuốc, giám định, nghiên cứu chất ma túy, tiền chất, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần mà thực hiện một trong các hành vi sau đây, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về một trong các hành vi này hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm về ma túy, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm với các hành vi vi phạm sau đây:

a) Vi phạm các quy định về xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh các chất có chứa chất ma túy, thuốc gây nghiện, thuốc hướng thần và tiền chất;

b) Vi phạm các quy định về nghiên cứu, giám định, sản xuất, bảo quản chất ma túy, tiền chất;

c) Vi phạm các quy định về giao nhận, tàng trữ, vận chuyển chất ma túy, tiền chất;

d) Vi phạm các quy định về phân phối, mua bán, sử dụng, trao đổi chất ma túy, tiền chất;

đ) Vi phạm các quy định về quản lý, kiểm soát, lưu giữ chất ma túy, tiền chất tại các khu vực cửa khẩu, biên giới, trên biển.

Xin cám ơn ông!

Top