Tụ tập nhậu nhẹt, ‘phê’ ma túy: Hành vi đáng lên án giữa mùa dịch

21/07/2021 14:34

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, trong khi nhiều lực lượng tuyến đầu đang căng mình, dồn sức chống dịch COVID-19, thì vẫn có những đối tượng thanh niên tụ tập vài chục người nhậu nhét, cờ bạc, thuê nhà nghỉ, khách sạn, thậm chí cả khu nghỉ dưỡng sang trọng để “phê” ma túy… Điều này đã thể hiện sự yếu kém trong nhận thức về mặt pháp luật cũng như ý thức bảo vệ sức khỏe tính mạng của chính mình và cộng đồng.

 GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và Phát triển - Ảnh: NVCC

Trao đổi với Báo điện tử Chính phủ, GS.TS Đặng Cảnh Khanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu truyền thống và Phát triển cho rằng, những hành động đó không chỉ làm cho bản thân người phạm tội sẽ bị pháp luật xử lý, mà còn gây thêm gánh nặng cho các ngành chức năng, làm gia tăng bất ổn xã hội trong bối cảnh hiện nay. Điều này đã khiến dư luận xã hội bất an, bức xúc

Theo GS.TS Đặng Cảnh Khanh, khi đất nước gặp khó khăn, cần đến sự đồng cam cộng khổ, đoàn kết, chung lòng chống đại dịch thì ý thức trách nhiệm đối với xã hội của mỗi công dân càng cần phải được nâng cao hơn bao giờ hết. Vì vậy mà bất cứ hành vi phạm tội hay hành động nào đi ngược lại với lợi ích quốc gia, dân tộc và làm phức tạp thêm tình hình là không thể chấp nhận được.

Bình luận thêm về hiện tượng sai lệch của các nhóm thanh niên như trên, GS.TS Đặng Cảnh Khanh cho rằng hiện nay một bộ phận thanh niên còn có những hạn chế về nhận thức lại chưa có nhiều kinh nghiệm sống. Họ nông nổi trong suy nghĩ và hành động. Điều đó đã dẫn đến những hành vi tiêu cực, thiếu chuẩn mực mà nhiều khi là không thể tha thứ được.

"Bởi vậy, chúng ta cần phải giúp đỡ họ. Xét về mặt pháp luật, mức phạt đối với họ có thể không chỉ đóng khung theo quy định, mà khi xử lý, xét theo lương tâm, trách nhiệm xã hội, chúng ta phải coi đó như là những “tình tiết tăng nặng”, GS.TS Đặng Cảnh Khanh nói.

Tuy nhiên về mặt đạo lý thì cần phải phân tích để họ nhận ra được tính nghiêm trọng của vấn đề. Cần tăng cường hơn nữa sự tuyên truyền, giáo dục cũng như xử lý vi phạm để những thanh niên này có thêm những bài học. Giới truyền thông cũng cần khơi dậy, làm lan tỏa tinh thần nhân đạo, đoàn kết, tương thân tương ái của dân tộc tới giới trẻ, thanh thiếu niên. Chúng ta rất cảm động khi biết có những em bé dành tiền ăn sáng, các cụ già dành tiền lương hưu, tiền tiết kiệm... để ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, cần phải nâng cao ý thức và tinh thần trách nhiệm, sự tự giác của mỗi người dân. Coi đó là yếu tố quan trọng trong việc phòng ngừa, ngăn chặn đại dịch. Để thực hiện được điều đó, mỗi người dân và gia đình cần gương mẫu tuân thủ nghiêm các quy định để trở thành những “chốt chặn” quan trọng nhất cùng với lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch.

Chính quyền, cộng đồng và đặc biệt là Đoàn Thanh niên cần tạo cơ hội và điều kiện để mỗi thanh niên, tùy theo hoàn cảnh của mình có thể tham gia trực tiếp vào các công việc phòng chống dịch bệnh. Thực tiễn sẽ dạy cho thanh niên những bài học, giúp thanh niên không chỉ thể hiện trách nhiệm công dân với xã hội, với đất nước mà còn nuôi dưỡng phát triển những nhân cách tốt của họ.

Top