Hiệu quả từ mô hình 'Nông dân phòng, chống lao' và 'Quản lý lao cấp xã, phường'

29/10/2022 08:23

(Chinhphu.vn) - Thời gian qua, vai trò của Hội Nông dân trong công tác phòng chống lao ngày càng phát triển sâu rộng. Nhờ đó, số người mắc bệnh lao xu hướng giảm dần, số bệnh nhân lao được điều trị khỏi ngày một tăng.

Hiệu quả từ mô hình “Nông dân phòng, chống lao” và “Quản lý lao cấp xã, phường" - Ảnh 1.

Nhờ thực hiện mô hình "Nông dân phòng chống lao", hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều được tuyên truyền, tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác về bệnh lao giúp nhận thức của người dân về bệnh lao được nâng lên. Ảnh: Thùy Chi

 Tỉ lệ khỏi đối với bệnh nhân lao mới đạt 98%

Tại Bắc Giang, nhờ mô hình "Nông dân phòng chống lao", tỉ lệ khỏi bệnh lao đã đạt 98%. Theo số liệu thống kê Sở Y tế tỉnh, tổng số bệnh nhân lao các thế trên địa bàn tỉnh hiện có 1.703, tỉ lệ người dân mắc bệnh lao là 121/100.000 dân; tỉ lệ phát hiện các thể lao khoảng 87%; tỉ lệ khỏi đối với bệnh nhân mới đạt 98%; số bệnh nhân tử vong do lao khoảng 16/100.000 dân.

Nhờ thực hiện mô hình, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều được tuyên truyền, tiếp cận thông tin một cách nhanh chóng và chính xác về bệnh lao giúp nhận thức của người dân về bệnh lao được nâng lên.

Bên cạnh đó, các bệnh nhân lao đã được tiếp nhận điều trị bằng nhiều kỹ thuật mới để chẩn đoán bệnh lao/lao kháng thuốc như: Hệ thống máy xét nghiệm Gene-Xpert, máy chụp cắt lớp, hệ thống máy nội soi, máy thăm dò chức năng hô hấp để chẩn đoán sớm bệnh lao...

Năm 2021, do những ảnh hưởng xấu của đại dịch Covid -19 cũng đã tác động lớn đến các hoạt động phòng chống lao trên địa bàn, nhiều địa phương gặp khó khăn trong việc triển khai các nội dung hoạt động. Tuy nhiên, Ban Thường vụ Hội Nông dân tỉnh đã luôn xác định rõ vai trò và trách nhiệm của tổ chức mình, tập trung chỉ đạo các cấp Hội tăng cường sự phối hợp với ngành Y tế cùng các ngành chức năng liên quan tổ chức các hoạt động tuyên truyền phòng chống lao gắn với tuyên truyền phòng chống dịch bệnh Covid-19 trong cộng đồng cho đông đảo cán bộ, hội viên, nông dân và người dân trên địa bàn.

Đặc biệt, Dự án Quỹ toàn cầu vòng 9 phòng chống lao được triển khai tại tỉnh chính là điều kiện thuận lợi để các cấp Hội trong tỉnh tiếp tục phát huy, thực hiện tốt vai trò, nhiệm vụ của mình trong công tác vận động hội viên, nông dân thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân. Qua đó, góp phần cùng các cấp, các ngành phòng chống bệnh lao đạt kết quả, tiến tới xoá bỏ bệnh lao trên địa bàn.

Đáng chú ý, Tổ chống lao Hội Nông dân tỉnh đã chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt của 3 mô hình "Nông dân phòng chống lao" cấp huyện và 30 mô hình "Quản lý lao tiềm ẩn cấp xã". Nâng cao chất lượng tập huấn, phổ biến kiến thức phòng và điều trị bệnh lao, nhất là công tác phòng bệnh lao đối với nhóm người có nguy cơ mắc lao cao như: Người nghèo, người thân trong gia đình có bệnh nhân lao, cách phòng chống lây lan bệnh lao từ những người bị bệnh lao; cách giám sát, hỗ trợ các bệnh nhân lao điều trị theo DOST…

Cùng với đó, động viên và trợ giúp hội viên, nông dân có thêm những kiến thức tổng hợp nhằm bảo vệ sức khỏe và tích cực phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống.

Trong năm, đã có 9.300 lượt người được tư vấn hỗ trợ các thông tin, kiến thức về phòng chống lao; vận động 4.050 người nghi mắc lao đi khám. Nhờ đó, đã phát hiện kịp thời được 199 người mắc lao mới; 70 người người mắc lao AFB (+); có 679 người mắc lao điều trị theo DOTS; 156 người mắc lao ngoài phổi; 02 người mắc lao/HIV; 07 người mắc lao kháng thuốc; đã có 04 người tử vong do lao…

Lồng ghép mô hình "Quản lý lao cấp xã, phường"

Tại Cần Thơ, bên cạnh mô hình "Nông dân phòng, chống lao", Cần Thơ còn xây dựng, lồng ghép mô hình "Quản lý lao cấp xã, phường".

Nhờ triển khai mô hình, các xã, phường, thị trấn trên địa bàn đều có trạm y tế, có phân công cán bộ y tế cộng đồng, từ đó công tác phòng chống lao trên địa bàn quận, huyện thực hiện được thuận lợi.

Trong năm 2022, đã tổ chức thăm hỏi được 300 cuộc, có 625 lượt người được thăm hỏi. Hội Nông dân các quận, huyện đã phối hợp với Bệnh viện Lao và Phổi thành phố Cần Thơ tổ chức khám tổng quát và chụp X quang sàng lọc bệnh cho 70 người dân trên địa bàn. Qua kết quả thực hiện phòng chống lao giai đoạn 2021-2023, đã nhiều bệnh nhân được điều trị thành công, được Hội hỗ trợ cây giống, hướng dẫn tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc hoa màu.

Nhìn chung, qua kết quả kiểm tra giám sát và thu thập số liệu trên các địa bàn quận, huyện thực hiện đúng theo Kế hoạch, bảo đảm đúng tiến độ. Các mô hình "Nông dân phát hiện lao sớm" giai đoạn 2011-2020 tự duy trì hoạt động và vẫn tiếp tục duy trì hoạt động lồng ghép sinh hoạt chi hội theo dịnh kỳ 3 tháng/1 lần.

Bên cạnh đó, các cấp Hội luôn chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, theo dõi tình hình diễn biến thăm hỏi, vận động người dân nghi mắc lao, tư vấn và hỗ trợ người nghi mắc lao đi khám sàng lọc.

Để thực hiện tốt các hoạt động của các mô hình phòng chống lao, Hội Nông dân Cần Thơ đã phối hợp các Ngân hàng tranh thủ các nguồn vốn bảo lãnh, tín chấp cho các hộ nghèo, cận nghèo, nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ Nông dân để giúp nông dân phát triển sản xuất, giúp người dân phát triển kinh tế. Thực hiện tinh thần tương trợ, giúp nhau phát triển kinh tế hộ gia đình, các cấp Hội đã hỗ trợ 2.709 tấn phân bón cung ứng vật tư nông nghiệp trả chậm các quận, huyện và cơ sở Hội; vận động kinh phí xây dựng xong 9 căn nhà "mái ấm nông dân" tri giá 405 triệu đồng.

Chương trình phòng chống lao trên địa bàn đã bám vào kế hoạch hàng tháng, quý, theo dõi kịp thời và phản ánh tình hình với các cấp lãnh đạo, chính quyền địa phương; Phối hợp ngành Y tế tỉnh để tuyên truyền, vận động các hộ bệnh nhân và nhân dân thực hiện tốt công tác phòng chống lao.

Đặc biệt, việc thực hiện mô hình đã giúp 100% số hộ gia đình có bệnh nhân lao được truyền thông, tư vấn, hỗ trợ. Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, Hội Nông dân TP. Cần Thơ đã phối hợp với Đài truyền thanh các quận, huyện, xã, phường, thị trấn thường xuyên phát tin, bài tuyên truyền vào mỗi buổi sáng về các biện pháp phòng chống Covid -19, cách phát hiện bệnh lao.

Đồng thời phát các tờ rơi tuyên truyền các yếu tố nguy cơ, cách phát hiện sớm bệnh lao, lao tiềm ẩn kịp thời phòng trị bệnh lao… Qua đó giúp phát hiện trên 80% số người nghi mắc lao, lao/HIV và đặc biệt là lao kháng đa thuốc trên địa bàn đi khám lao tại cơ sở y tế; Tư vấn, chia sẻ và hỗ trợ điều trị 100% số người mắc bệnh lao điều trị lao theo DOTS; người mắc lao, lao/HIV, lao kháng đa thuốc từ trung tâm 05, 06 trở về…

Có thể thấy, các mô hình phòng chống lao, đặc biệt mô hình "Nông dân phòng, chống lao" và "Quản lý lao cấp xã, phường" đã giúp cho công tác phòng, chống lao mở rộng tới các tuyến huyện, đáp ứng đúng nguyện vọng của cán bộ, hội viên, nông dân và được đông đảo hội viên, nông dân nhiệt tình hưởng ứng.

Cùng với đó, mô hình cũng giúp cho mối quan hệ giữa tổ chức Hội Nông dân với ngành Y tế tỉnh được tăng cường, bổ sung tương hỗ cho nhau, phát huy được lợi thế của mỗi ngành. Từ đó, đem lại lợi ích thiết thực cho hội viên, nông dân, góp phần tích cực đẩy lùi bệnh lao trên địa bàn tỉnh.

Thùy Chi

Top