Mở rộng độ bao phủ dự phòng trước phơi nhiễm để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV

22/03/2024 09:13

(Chinhphu.vn) - Trong năm 2024, ngành y tế chú trọng mở rộng độ bao phủ Chương trình điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV để hướng tới đạt được các mục tiêu đã đề ra trong công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Lây nhiễm mới HIV trong nhóm MSM tiếp tục gia tăng

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hiện cả nước có khoảng 249.000 người nhiễm HIV trong cộng đồng. Năm 2023, cả nước ghi nhận 13.445 trường hợp dương tính HIV mới; 1.623 ca tử vong.

Mở rộng độ bao phủ dự phòng trước phơi nhiễm để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV- Ảnh 1.

Tư vấn điều trị dự phòng trước phơi nhiễm cho bệnh nhân. Ảnh: Thùy Chi

Trong đó, tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới (MSM) đang tăng lên một cách đáng lo ngại. Hiện nay, trên toàn quốc, tỉ lệ nhiễm HIV trong nhóm này chiếm xấp xỉ 60% số trường hợp nhiễm HIV được phát hiện. Thậm chí, có những địa phương báo cáo tới hơn 80% người nhiễm HIV được phát hiện trong năm 2023 là nhóm quan hệ tình dục đồng giới.

Theo Bộ Y tế, dịch HIV/AIDS đang lây lan nhanh tại khu vực phía Nam và các thành phố lớn nơi tập trung nhiều khu công nghiệp và các trung tâm giáo dục. Nguy cơ lây nhiễm HIV khó kiểm soát trong nhóm MSM do hành vi quan hệ tình dục không an toàn.

Trước đó, trong năm 2023 theo những số liệu từ Cục Phòng, chống HIV/AIDS công bố, chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam ghi nhận hơn 10.000 ca nhiễm HIV mới, trong đó có tới 49% nằm ở nhóm nam quan hệ đồng giới. Đặc biệt, tỉ lệ người nhiễm HIV trẻ hóa, gần 50% ở nhóm từ 16 - 29 tuổi. 

Ông Bùi Hoàng Đức, Phó Trưởng phòng Giám sát và xét nghiệm, Cục Phòng, chống HIV/AIDS nhận định, một trong những điểm đáng lo ngại là hiện nay tỉ lệ người nhiễm HIV đang trẻ hóa, xu hướng dịch tăng rõ rệt ở nhóm MSM và cảnh báo tăng ở các nhóm khác.

Cùng đó, là việc gia tăng tỉ lệ nhiễm HIV qua đường tình dục, hành vi nguy cơ của các nhóm nguy cơ cao ngày càng phức tạp như sử dụng ma túy tổng hợp, quan hệ tình dục tập thể,… khả năng tiếp cận triển khai can thiệp khó. Điều đáng lưu ý là hiện nay người nhiễm HIV vẫn còn nhiều rào cản, đặc biệt tình trạng phân biệt đối xử vẫn còn trong cộng đồng.

Đại diện Cục Phòng chống HIV/AIDS cho biết, hiện Cục cũng vẫn gặp khó khăn về nguồn lực cho công tác phòng, chống HIV/AIDS. Do đó, Cục mong muốn có đủ kinh phí cho phòng, chống HIV/AIDS, định hướng ưu tiên bố trí ngân sách nhà nước các cấp tập trung cho các hoạt động dự phòng, can thiệp giảm hại, giám sát dịch.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần mở rộng độ bao phủ Chương trình dự phòng phơi nhiễm HIV để giảm thiểu số người nhiễm mới HIV, mở rộng điều trị HIV/AIDS do Quỹ Bảo hiểm y tế (BHYT) chi trả; tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn viện trợ quốc tế cho phòng, chống HIV/AIDS; Tăng cường sự tham gia của các cá nhân, tổ chức, khu vực tư nhân tham gia đầu tư và cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS.

Phấn đấu giảm số người nhiễm mới HIV trong cộng đồng

Bộ Y tế đặt mục tiêu, trong năm 2024 đạt tỉ lệ người đang điều trị ARV có thẻ BHYT là 94%; giảm số trường hợp phát hiện mới HIV dương tính (11.000 người); 23.000 phụ nữ bán dâm được tiếp cận với chương trình bao cao su; 81.000 nam giới có quan hệ tình dục nam được tiếp cận với dịch vụ can thiệp giảm tác hại và dự phòng (chương trình bao cao su).

Trong bối cảnh số người nhiễm mới HIV gia tăng nhanh trong nhóm MSM, mô hình điều trị dự phòng phơi nhiễm HIV là một trong những giải pháp để giảm thiểu lây nhiễm mới HIV. Chính vì vậy, ngành y tế đang chú trọng mở rộng mô hình này nhằm giảm thiểu lây nhiễm mới HIV trong cộng động và trong nhóm MSM.

PrEP được triển khai tại VN từ năm 2017, hiện đã có 219 cơ sở điều trị PrEP tại 29 tỉnh thành, được hỗ trợ bởi 2 nhà tài trợ chính là dự án Quỹ Toàn cầu và PEPFAR. Các năm qua, 40.382 khách hàng đã sử dụng PrEP. Trong tổng số khách hàng PrEP, có gần 78,6% là MSM (nam quan hệ tình dục đồng giới) có nguy cơ cao nhiễm HIV và nhiều người ở độ tuổi còn trẻ: từ 18 đến dưới 40 tuổi.

Th.S Võ Hải Sơn, Phó Cục trưởng Cục Phòng chống HIV/AIDS, cho hay: Năm 2024, triển khai PrEP sẽ mở rộng độ bao phủ và mở mới các cơ sở PrEP thông qua các mô hình, sáng kiến mới, tập trung vào nhóm dân số trẻ (vị thành niên, sinh viên, công nhân ở các khu công nghiệp…). Bên cạnh đó, các địa phương tăng cường chất lượng dịch vụ PrEP với việc mở rộng các dịch vụ hỗ trợ sức khỏe tâm thần, đa dạng giới, đáp ứng nhu cầu của các nhóm khách hàng PrEP; sử dụng sinh phẩm xét nghiệm thế hệ mới, thuốc dạng uống, thuốc tiêm, thuốc đặt… đáp ứng nhu cầu đa dạng của cộng đồng.

Về công tác điều trị HIV thời gian tới, Th.S Võ Hải Sơn cho hay Việt Nam sẽ tiếp tục theo hướng cung cấp gói dịch vụ toàn diện về điều trị HIV/AIDS, kết nối điều trị thuốc ARV sớm cho người mới phát hiện nhiễm HIV, giúp họ đạt ức chế virus và phục hồi miễn dịch sớm, giảm nguy cơ tử vong và hạn chế lây nhiễm HIV ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị y tế điều trị HIV cung cấp đầy đủ các dịch vụ khám chữa bệnh cho người bệnh HIV qua BHYT, bao gồm xét nghiệm cơ bản, cấp thuốc ARV 90 ngày sử dụng, điều trị các nhiễm trùng cơ hội nặng ở người nhiễm HIV giúp họ sớm phục hồi miễn dịch và giảm tỷ lệ tử vong do AIDS…; mở rộng điều trị dự phòng sau phơi nhiễm HIV cho mọi đối tượng bị phơi nhiễm với HIV và điều trị dự phòng trước phơi nhiễm HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho quần thể có nguy cơ cao nhiễm HIV.

Phòng chống HIV cũng sẽ chú trọng quản lý, chăm sóc vị thành niên nhiễm HIV về tư vấn bộc lộ: giúp trẻ hiểu đúng về tình trạng nhiễm HIV một cách tích cực; trang bị kiến thức, kỹ năng để trẻ tự bộc lộ tình trạng nhiễm HIV với người khác; giáo dục trẻ tự chăm sóc, tuân thủ điều trị ARV, không làm lây truyền HIV cho người khác; tuân thủ điều trị, sức khỏe sinh sản, tình dục an toàn, chăm sóc sức khỏe tâm thần cho nhóm tuổi này.

Theo Cục Phòng chống HIV/AIDS, trong nước có các nguồn chính cung ứng thuốc ARV điều trị người nhiễm HIV, gồm nguồn do BHYT chi trả và nguồn do tài trợ cấp miễn phí. Trong đó, với nguồn do BHYT chi trả, người bệnh đồng chi trả 20%. Vừa qua, một số địa phương đã có đề án hỗ trợ khoản đồng chi trả này.

Năm 2024, chương trình phòng chống HIV/AIDS chú trọng quản lý, điều trị các bệnh đồng nhiễm trên người bệnh HIV: lao, viêm gan B, C và các bệnh lây qua đường tình dục. Tăng cường công tác điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con thông qua xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai nhằm phát hiện sớm phụ nữ mang thai nhiễm HIV, đưa họ vào điều trị HIV và quản lý điều trị dự phòng cho trẻ sinh ra từ bà mẹ nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm HIV. Từng bước triển khai sàng lọc các rối loạn sức khỏe tâm thần, sàng lọc ung thư cổ tử cung ở nữ giới nhiễm HIV. Mở rộng điều trị PrEP bao gồm cả các tỉnh không có dự án hỗ trợ cho nhóm đối tượng nguy cơ cao.

Thùy Chi

Top