Nhiều kỹ thuật mới trong phòng chống HIV/AIDS được triển khai diện rộng

19/03/2024 08:33

(Chinhphu.vn) - Nhờ sự giúp đỡ của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, trong giai đoạn 2021-2023 đã có nhiều mô hình mới và các kỹ thuật mới phòng, chống HIV/AIDS được triển khai như cung cấp dịch vụ dự phòng, dịch vụ xét nghiệm, kết nối điều trị thuốc kháng virus cho người nhiễm HIV/AIDS.

Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét đã hỗ trợ cho chương trình phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam đến nay trải qua 6 vòng và tròn 20 năm. Đối với công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhờ sự hỗ trợ của Dự án Quỹ Toàn cầu phòng chống HIV/AIDS, nhiều mô hình và các kỹ thuật mới phòng chống HIV/AIDS đã được triển khai trên diện rộng.

Nhiều kỹ thuật mới trong phòng chống HIV/AIDS được triển khai diện rộng- Ảnh 1.

Xét nghiệm sàng lọc HIV. Ảnh minh họa

Thông qua sự hỗ trợ của Quỹ Toàn cầu phòng chống AIDS, lao và sốt rét, mạng lưới các tổ chức tham gia phòng, chống HIV/AIDS không ngừng được mở rộng và nâng cao năng lực. Từ đó, giúp các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV dễ dàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV/AIDS.

Trong giai đoạn 2021-2023, các mục tiêu của dự án đều được thực hiện tốt, với sự tham gia của các tổ chức khoa học, công nghệ và tổ chức cộng đồng trong phòng, chống HIV/AIDS, đã góp phần thực hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Đến nay, dịch vụ dự phòng HIV cung cấp cho 155.218 khách hàng; xét nghiệm HIV cho 141.585 người; phát hiện 3.340 người dương tính với HIV và kết nối điều trị thuốc kháng virus cho 3.289 người.

Ngoài ra, phát hơn 15 triệu bơm kim tiêm, hơn 16,8 triệu bao cao su, thu gom gần 5,3 triệu bơm kim tiêm đã qua sử dụng... Các nhóm có hành vi nguy cơ cao cũng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ dự phòng lây nhiễm HIV và những người nhiễm HIV cũng dễ dàng tiếp cận các dịch vụ điều trị HIV/AIDS.

Đánh giá kết quả sau 3 năm triển khai phòng, chống HIV/AIDS của Quỹ, nhiều chuyên gia đánh giá cao kết quả của dự án. Trong giai đoạn tiếp theo (2024-2026), Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS đang trong quá trình trình lấy ý kiến thẩm định và phê duyệt.

Tuy nhiên, khác với trước đây các đơn vị được chỉ định thực hiện dự án, giai đoạn mới này, sẽ thực hiện đấu thầu cạnh tranh, để lựa chọn ra nhà thầu có năng lực triển khai dự án theo nguyên tắc cạnh tranh công bằng. Quỹ Toàn cầu chịu trách nhiệm toàn diện về dự án này, cho nên cũng tăng cường các hoạt động kiểm tra, giám sát chặt chẽ mọi hoạt động triển khai của dự án; nhất là việc kiểm tra giám sát việc thực hiện giải ngân các gói thầu của các nhà thầu tại địa phương.

PGS,TS Phan Thị Thu Hương, Cục trưởng Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết, công cuộc phòng, chống HIV/AIDS tại nước ta vẫn còn nhiều thách thức, số ca lây nhiễm HIV được phát hiện trong năm 2023 có chiều hướng gia tăng so với năm trước; số ca đang tăng trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người chuyển giới nữ; hình thái lây truyền HIV có sự thay đổi theo hướng phức tạp hơn.

Bên cạnh đó, tỷ lệ người sử dụng ma túy tổng hợp dẫn đến quan hệ tình dục không an toàn ngày càng tăng, là một trong những hành vi có nguy cơ cao dẫn đến lây nhiễm HIV/AIDS tại Việt Nam. Mỗi năm, Việt Nam vẫn ghi nhận hơn 10 nghìn trường hợp nhiễm HIV mới và có khoảng 2 nghìn người tử vong do AIDS.

Chính vì vậy, giai đoạn tới, Dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS và Bộ Y tế sẽ kết hợp chặt chẽ với những bộ, ngành liên quan tiếp tục xây dựng quy chế phối hợp để hỗ trợ tối đa cho hoạt động hỗ trợ phòng, chống HIV/AIDS.

Đồng thời, nâng cao chất lượng điều trị HIV/AIDS; tăng cường quản lý hệ thống giám sát bảo đảm chuỗi cung ứng dịch vụ cho các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS, thành phố; mở rộng và đa dạng hóa các loại hình tư vấn, xét nghiệm HIV, nhất là xét nghiệm dựa vào cộng đồng, tự xét nghiệm…

Bên cạnh đó, Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng đang phối hợp chặt chẽ các cơ quan hữu quan trong việc sửa quy định theo hướng tạo điều kiện cho các tổ chức cộng đồng tham gia các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS nhưng cũng cần tuân thủ pháp luật và các quy định.

Sau hơn 30 năm kể từ ca nhiễm HIV đầu tiên (năm 1990), đến nay là năm thứ 15 liên tiếp, dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được kiểm soát và liên tục đà giảm trên cả 3 tiêu chí: giảm số người nhiễm mới; giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số người tử vong liên quan đến AIDS. Chương trình phòng, chống HIV/AIDS đã dự phòng lây nhiễm HIV cho gần 1 triệu người, cứu được gần 200.000 người không bị tử vong do AIDS…

Bà Lady Roslyn Morauta, Phó Chủ tịch Quỹ Toàn cầu đánh giá cao những thành tựu của Chính phủ Việt Nam trong công tác phòng, chống AIDS, lao và sốt rét khi tỉ lệ tử vong do bệnh AIDS và ca nhiễm mới giảm; bệnh lao và sốt tiến tới loại trừ tại Việt Nam.

Đại diện Quỹ Toàn cầu cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam thực hiện các giải pháp nhằm duy trì bền vững các kết quả đã đạt được trong dự phòng, chẩn đoán, điều trị những người nhiễm HIV/AIDS, lao và sốt rét. Trong giai đoạn 2024-2026, Quỹ thông báo sẽ tiếp tục tài trợ cho Việt Nam 130 triệu USD để phòng, chống ba bệnh và phát triển hệ thống y tế.

Dự án Quỹ Toàn cầu giai đoạn 2021-2023 nhằm duy trì, cải thiện các gói dịch vụ thiết yếu can thiệp dự phòng, tập trung vào các nhóm đối tượng đích và bạn tình của người nhiễm HIV trong cộng đồng.

Mở rộng chẩn đoán sớm thông qua các hình thức xét nghiệm HIV tại cơ sở xét nghiệm, xét nghiệm HIV tại cộng đồng cho các nhóm quẩn thể đích và bạn tình của người nhiễm HIV.

Mở rộng, cải thiện chất lượng dịch vụ điều trị ARV để tối đa hóa lợi ích về điều trị, dự phòng giảm lây truyền HIV và giảm tử vong do AIDS, đảm bảo quá trình chuyển sang BHYT được thuận lợi.

Củng cố và tăng cường năng lực hệ thống phòng, chống HIV/ AIDS các tuyến; và nâng cao năng lực ứng phó COVID 19 và giảm ảnh hưởng của COVID-19 đối với các hoạt động phòng chống HIV/AIDS.

Thùy Chi

Top