Tây Phi đang trở thành “thiên đường” của tội phạm

27/02/2013 17:00

Báo cáo về tình trạng tội phạm của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC) cho thấy, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đang lợi dụng tình trạng bất ổn ở Tây Phi để biến nơi đây thành “thiên đường” phạm tội.

Các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đã biến Tây Phi thành nơi trung chuyển ma túy từ vùng Nam Mỹ sang châu Âu.

Trung bình mỗi năm có khoảng 50 tấn cocaine được chuyển từ các nước thuộc khu vực Andes tới vùng Tây Phi, rồi từ đó chuyển lên Bắc Phi để đưa sang châu Âu. Lợi nhuận thu được từ hoạt động tội phạm này còn lớn hơn nhiều lần so với tổng ngân sách của các nước Tây Phi dành cho lĩnh vực an ninh.

Gần đây, lợi dụng các cuộc nội chiến và xung đột tôn giáo ở vùng Tây Phi, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia đã ráo riết tăng cường sự hiện diện tại khu vực này. Chính quyền các nước trong khu vực đang gặp phải rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát hoạt động của chúng.

Theo UNODC, các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia không chỉ vận chuyển cocaine qua vùng Tây Phi, mà chúng còn biến nơi đây thành nơi chiết xuất, sản xuất ma túy tổng hợp.

Bên cạnh việc buôn bán, điều chế ma túy trái phép, các tổ chức tội phạm ở Tây Phi còn mở rộng hoạt động sang các lĩnh vực phạm tội khác như: Làm tiền giả, buôn người và cướp biển… Điều này đã tạo nên bầu không khí bất ổn trong toàn khu vực.

Theo UNODC, việc đối phó với các tổ chức tội phạm ở Tây Phi đang rất cần sự hợp tác quốc tế rộng rãi, từ việc chia sẻ thông tin tội phạm, đến trao đổi kinh nghiệm và phối hợp tác chiến.

Top