Vạch trần thủ đoạn mới che giấu hóa học của tội phạm ma túy

19/01/2024 15:05

(Chinhphu.vn) - Không chỉ che giấu vật lý trong cơ thể người, đồ đạc, phương tiện, tội phạm ma túy đang sử dụng một thủ đoạn rất mới đó là che giấu hóa học. Hơn nữa, ngày càng nhiều loại ma túy mới xuất hiện. Điều này đang gây ra khó khăn cho các lực lượng chức năng, trong đó lực lượng kỹ thuật hình sự để vạch trần, không bỏ lọt tội phạm.

Vạch trần thủ đoạn mới che giấu hóa học của tội phạm ma túy- Ảnh 1.

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm Giám định ma tuý, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) cùng các đồng nghiệp phân tích kết quả giám định. Ảnh: VGP/HG

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Xuân Trường, Giám đốc Trung tâm giám định ma túy, Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) đã có những chia sẻ về các thủ đoạn mới, tinh vi của tội phạm ma túy và những khó khăn trong công tác giám định các loại ma túy mới.

Thưa Đại tá, qua công tác giám định ma túy, Đại tá có thể cho biết rõ hơn về các thủ đoạn che giấu, ngụy trang mới của tội phạm ma túy hiện nay?

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Xuân Trường: Bên cạnh những thủ đoạn che giấu vật lý thông thường trong đồ đạc, phương tiện, cơ thể người, tội phạm ma túy đang sử dụng một thủ đoạn rất mới đó là che giấu hóa học.

Điển hình gần đây là chuyên án triệt phá đường dây ma túy xuyên quốc gia cực lớn, thu giữ 1,3 tấn ketamine do đối tượng Liêu Chí Hoài (Đài Loan, Trung Quốc) cầm đầu.

Do là những kỹ sư hóa chất giỏi, nên ngay trong quá trình sản xuất ma túy, chúng đã tìm cách để đối phó với các lực lượng chức năng bằng cách pha trộn thêm một chất vào ma túy thành phẩm trước khi vận chuyển đi tiêu thụ.

Cụ thể là ma túy được các đối tượng trong chuyên án sản xuất theo 5 công đoạn, 4 công đoạn đầu đã hoàn thành ra sản phẩm ketamin là chất ma túy, nhưng chúng thêm công đoạn tiếp theo là cho một chất khác để pha trộn thành chất mới là N-Boc-Ketamin, chất này lại không nằm trong danh mục ma túy. Nếu vận chuyển trót lọt ra nước ngoài, các đối tượng sẽ thực hiện công đoạn bóc tách chất N-Boc để thu lại ketamine rồi đưa ra thị trường tiêu thụ.

Chính vì vậy, khi bị bắt giữ, các đối tượng rất tự tin, khẳng định rằng chất chúng vận chuyển không phải ma túy. Nếu sử dụng các phương pháp phân tích giám định thông thường thì chúng ta không thể phát hiện ra ketamine.

Tuy nhiên, với quyết tâm đấu tranh với tội phạm đến cùng, để lật tẩy thủ đoạn tinh vi của các đối tượng, chúng tôi đã phân công các giám định viên nhiều kinh nghiệm và sử dụng các trang thiết bị hiện đại ở trong ngành, phối hợp các cơ quan, đơn vị khác, sử dụng các thông tin, phương pháp mà quốc tế thừa nhận để phát hiện và chứng minh rằng ở trong các mẫu mà đối tượng vận chuyển có thành phần ketamine. Khi có kết quả như thế, các đối tượng đã phải cúi đầu nhận tội.

Đây là lần đầu tiên ở Việt Nam và có lẽ cũng là lần đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á, lực lượng chức năng phát hiện ra thủ đoạn này. Điều này cũng cảnh báo trong thời gian tới, có thể tội phạm sẽ tiếp tục chuyển hướng sang thủ đoạn mới này, đó là che giấu hóa học và chính sự che giấu đó khiến chúng ta cần phải có những phương án, biện pháp thích hợp để phát hiện, vạch trần.

Ngoài những thủ đoạn trên, qua công tác giám định, chúng tôi cũng nhận thấy các đối tượng còn dùng chất ma túy hoặc các chất có tác dụng tương tự như ma túy nhưng chưa có danh mục ma túy để pha trộn vào các loại tinh dầu thuốc lá điện tử hoặc thuốc lá điếu, pha trộn vào đồ ăn, thức uống.

Bên cạnh đó, thời gian qua, ở các nước trong khu vực cũng phát hiện ra các phòng thí nghiệm được ngụy trang dưới dạng các cơ sở sản xuất dược, công ty hóa chất để điều chế ma túy với quy mô lớn.

Vạch trần thủ đoạn mới che giấu hóa học của tội phạm ma túy- Ảnh 2.
Vạch trần thủ đoạn mới che giấu hóa học của tội phạm ma túy- Ảnh 3.

Lực lượng chức năng làm rõ thủ đoạn che giấu hóa học của đường dây ma túy xuyên quốc gia do đối tượng Liêu Chí Hoài (áo vàng) cầm đầu - Ảnh: C04 cung cấp

Vậy công tác giám định ma túy đang gặp những khó khăn gì, thưa Đại tá?

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Xuân Trường: Trước đây, chủ yếu là ma túy truyền thống như heroin, thuốc phiện.... Khi khoa học phát triển, ma túy tổng hợp (ketamine, methamphetamine…) xuất hiện và dần thay thế cho các loại ma túy truyền thống. Ma túy tổng hợp có tác dụng mạnh hơn rất nhiều so với ma túy truyền thống, nguy hiểm đến sức khỏe, tính mạng, ảnh hưởng tới hệ thần kinh trung ương, tim mạch…

Đặc biệt nguy hiểm là ma túy tổng được sản xuất bằng con đường tổng hợp hóa học, nguyên liệu từ các hóa chất. Mà các hóa chất này thường có tính lưỡng dụng, tức là sử dụng hợp pháp trong phát triển kinh tế-xã hội, nhưng nếu bị lạm dụng trong sản xuất ma túy thì trở thành tiền chất ma túy.

Có thể với thuốc phiện, cả một vụ mùa, các đối tượng mới thu hoạch được một đợt. Nhưng việc sản xuất ma túy tổng hợp là rất ngắn, chỉ cần một vài ngày, thậm chí vài tiếng có thể ra được thành phẩm với khối lượng lớn.

Hơn nữa, với ma túy tổng hợp, các đối tượng chỉ cần thay đổi một chất là tạo ra một loại ma túy mới. Khi chất ma túy mới ra, chúng ta đề xuất Chính phủ bổ sung vào Danh mục chất ma túy để quản lý. Ngay lập tức, các đối tượng sản xuất lại nghiên cứu ra một chất mới không nằm trong danh mục.

Thực tế, các chất này rất khó nhận biết bằng cảm quan thông thường và thường phải xác định qua công tác giám định. Chính vì thế công tác phòng chống ma túy, trong đó có công tác giám định ma túy để vạch trần những thủ đoạn của tội phạm, khiến tội phạm phải cúi đầu nhận tội càng trở nên khó khăn.

Không đi sau tội phạm ma túy

Trước tình hình các đối tương liên tục đổi mới, thậm chí nâng cấp thủ đoạn để đối phó với lực lượng chức năng, chúng ta cần làm gì để không đi sau tội phạm, thưa Đại tá?

Đại tá, PGS.TS Nguyễn Xuân Trường: Trong thời gian qua, lực lượng giám định ma túy được Đảng, Chính phủ, Bộ Công an rất quan tâm. Hiện nay, công việc giám định ma túy được triển khai ở tất cả công an địa phương các tỉnh, thành phố và đã thực hiện được giám định các loại ma túy thường gặp.

Tuy nhiên, với những loại ma túy mới, các địa phương vẫn phải chuyển đến Trung tâm Giám định ma túy ( Viện Khoa học hình sự) cũng như 2 phân viện của Viện ở TPHCM và Đà Nẵng để thực hiện giám định.

Để không đi sau tội phạm, chúng ta cần phải có hành động mạnh mẽ hơn. Trong công tác giám định ma túy, trước hết, về con người, cần nâng cao năng lực cho các nhà khoa học, giám định viên trong công tác phát hiện, giám định các chất ma túy. Có thể thành lập các nhóm nhà khoa học, chuyên môn để tăng cường công tác trao đổi, hợp tác với các cơ quan khoa học nước ngoài để nâng cao năng lực.

Hiện nay, chúng tôi thường xuyên hợp tác, trao đổi với các nhà khoa học, trường đại học, viện khoa học không chỉ trong lực lượng công an mà cả ngoài ngành để liên tục nâng cao chuyên môn, năng lực về phân tích giám định.

Về trang thiết bị, hiện nay đã cơ bản đáp ứng được yêu cầu công việc, tuy nhiên đối với các loại ma túy mới để bảo đảm chính xác và các yếu tố khoa học, chúng tôi sẽ phải sử dụng rất nhiều phương pháp phân tích khác nhau mà cùng cho ra kết quả để khẳng định chắc chắn.

Trên thế giới, các trang thiết bị hiện đại phục vụ giám định, nhận biết nhanh ma túy rất đắt tiền và công nghệ thay đổi nhanh, vòng đời của máy cũng ngắn. Do vậy, cần có nguồn kinh phí lớn để đầu tư xứng đáng thì chúng ta mới chủ động được trong công tác phòng chống tội phạm cũng như vạch trần thủ đoạn của tội phạm.

Đặc biệt, công tác phòng chống ma túy cần tập trung làm cả 3 nhiệm vụ: Giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Để tội phạm và tệ nạn ma túy được ngăn chặn hiệu quả, không chỉ lực lượng chức năng mà cần sự chung tay giúp sức của cả hệ thống chính trị, gia đình, nhà trường.

Trân trọng cảm ơn Đại tá!

Hoàng Giang (thực hiện)

Top